Tin tức Thị trường bất động sản

Trong 5 năm, chung cư tăng giá lên tới gần 40%

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, mặt bằng giá trung bình chung cư tại Hà Nội hiện dao động 50-70 triệu đồng mỗi m2, tăng 38% so với năm 2019.

Thông tin trên được ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng chia sẻ tại họp báo quý I, sáng 26/4.

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, dự án mới và chuyển nhượng đều leo thang thời gian qua, tăng 3,3-4,2% so với cuối 2023. Ví dụ, căn hộ Vinhomes Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa tăng 4,2% lên hơn 72 triệu đồng mỗi m2. Chung cư Eco Lake View ở Hoàng Mai được rao trên 42 triệu đồng mỗi m2, tăng 4%.

Mặt bằng giá trung bình chung cư tại Thủ đô đã đặt ngưỡng 50-70 triệu đồng mỗi m2, tăng 38% sau 5 năm, tức bình quân 7,6% mỗi năm. Ngoài dự án đã sử dụng 5-10 năm, nhà tập thể cao tầng cũ cũng bị đẩy giá khá cao.

Lãnh đạo Cục Quản lý nhà thừa nhận một số dự án có tình trạng bị đẩy giá thời gian qua, một phần vì chênh lệch cung - cầu kéo dài nhiều năm. Ba tháng qua, miền Bắc có 3 dự án nhà ở hoàn thành ở Hưng Yên, còn Hà Nội không có thêm dự án căn hộ nào.

"Tình trạng thổi giá chỉ xảy ra ở một số dự án, nhất là qua rao bán trên mạng, gần như không phát sinh giao dịch", ông Hoàng Hải nhận xét sau khi Bộ Xây dựng đã đi kiểm tra tại một số dự án tăng giá bất thường. Tuy nhiên khi được hỏi chi tiết về gần như không phát sinh giao dịch tại các dự án bị đẩy giá, đại diện Bộ Xây dựng không cung cấp thêm dữ kiện cụ thể.

Ông Hải cho biết tuần trước Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội kiểm tra và xử lý những dự án tăng giá bất thường do hành vi thổi, đẩy giá, hạn báo cáo 20/4. Thành phố mới giao Sở xây dựng kiểm tra và chưa gửi báo cáo về Bộ.

 

Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản phát biểu tại họp báo thị trường quý I. Ảnh: Ngọc Diễm

Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản phát biểu tại họp báo thị trường quý I, ngày 26/4. Ảnh: Ngọc Diễm

 

Bên cạnh thiếu nguồn cung, đại diện Bộ Xây dựng nói chung cư bị làm giá bởi cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa hợp lý. Phân khúc dành cho người thu nhập cao chiếm phần lớn trong khi nhà ở bình dân, nhà cho công nhân, thu nhập thấp rất ít. Tuy nhiên, ông Hải nói tình trạng này sẽ được cải thiện khi các luật sửa đổi có hiệu lực sớm, giúp tháo gỡ điểm nghẽn trong phát triển dự án.

Giá tăng và ít giao dịch như Bộ Xây dựng nhận định, song thực tế giới phân tích cho rằng mặt bằng chung cư này khó hạ nhiệt trong ngắn hạn. Bởi, trước mắt thị trường Hà Nội chưa giải quyết được tình trạng "tắc" nguồn cung. Ông Phạm Đức Toản, CEO EZProperty cho rằng việc triển khai các các dự nhà ở xã hội - hy vọng để giảm mặt bằng căn hộ đến nay rất chậm. Từ năm ngoái đến nay, thành phố mới có một dự án nhà ở xã hội với gần 280 căn được mở bán.

Ngoài phân khúc chung cư, theo Bộ Xây dựng, nhu cầu tìm kiếm nhà ở riêng lẻ, đất nền đã rục rịch tăng so với quý trước. Theo đó, lượng giao dịch nhà ở riêng lẻ, đất nền tại Hà Nội tăng từ 5-15% so với cuối năm 2023, giá bán dao động trong khoảng 80 - 220 triệu đồng mỗi m2. Tại TP HCM, khoảng 90-250 triệu đồng mỗi m2.

Lượng giao dịch bất động sản cả nước có xu hướng đi lên trong quý I, với hơn 133.500 giao dịch thành công (gồm chung cư, nhà riêng lẻ và đất nền). Trong đó nhà ở tăng khoảng 30%, đất nền thêm 20% so với cuối 2023.