Nhiều cơ hội nhân lực cho nghề thẩm định giá
Thẩm định giá (TĐG) được nhìn nhận như là một nghề độc lập trong xã hội, tương tự như kế toán, kiểm toán. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, yêu cầu minh bạch trong thống kê và định giá tài sản thì nhu cầu về TĐG (mua bán, cầm cố, thế chấp, đầu tư, bảo hiểm, tính thuế...) cũng ngày một tăng theo.
Công việc của một thẩm định viên là định giá bất động sản, máy móc và giá trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh cung không đủ cầu của nhân lực ngành tài chính, đội ngũ thẩm định viên về giá vẫn có khoảng cách khá xa về cả chất lẫn lượng so với nhu cầu thực tế.
Cơ hội nhiều cho sinh viên khi chọn nghề
Đất dụng võ cho nghề này rất rộng: doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, ngân hàng, công ty chứng khoán, cấp quản lý từ trung ương đến địa phương đều có trung tâm-bộ phận thẩm định giá nên rất cần cử nhân có chuyên môn về ngành này. Bên cạnh đó,việc cổ phần hóa DN cũng cần rất nhiều những người làm thẩm định giá.
Hiện tại, cả nước mới chỉ có khoảng 500 người được cấp thẻ thẩm định viên, trong đó 152 thành viên thuộc hội thẩm định giá Việt Nam). Đây được coi là những "của quý" đối với các DN, đặc biệt là những DN muốn hành nghề TĐG.
Mặt khác, chúng ta vẫn chỉ quen với việc thẩm định những giá trị hữu hình như nhà xưởng, đất đai hay máy móc mà quên đi một: thẩm định những giá trị vô hình-thương hiệu của các DN. Tuy nhiên để làm được điều đó, đòi hỏi người làm nghề cần phải có một trình độ chuyên môn cao. Hiện nay, ở VN, để thẩm định giá của thương hiệu, các DN phải thuê công ty nước ngoài. Đây quả là một điều lãng phí vì trong thời gian tới sẽ có rất nhiều DN VN cần thẩm định thương hiệu của mình.
Thách thức cũng không ít
TĐG là một công việc rất cụ thể, đòi hỏi tính kiên trì và cẩn thận trong việc thu thập thông tin và xử lý số liệu. Ngoài việc xem xét những đặc điểm riêng biệt của từng tài sản, người thẩm định còn phải xem xét các yếu tố rủi ro vô hình và những yếu tố luật pháp ảnh hưởng đến giá trị tài sản. Chính sự phức tạp trong đối tượng TĐG, cũng như giá trị rất lớn của các tài sản thẩm định đã làm cho hoạt động này hết sức khó khăn.
H.Minh, phòng tín dụng của ngân hàng Vietcombank tâm sự: "Phải mất hơn 2 năm mình mới có thể tự tin hơn một chút khi đi định giá tài sản. Định giá cũng cần phải có cảm quan, không cẩn thận dễ xảy ra nhầm lẫn khi thông tin bạn không nắm rõ".
Do tính chất đặc biệt, thẩm định viên còn phải đáp ứng một số yêu cầu đặc thù: kỷ luật và trung thực. Đây là nghề đòi hỏi trách nhiệm trước pháp luật rất cao.
Chia sẻ với nhận định này, N.Lan, làm việc tại một ngân hàng thương mại cho biết: "Hầu như tài sản nào cũng có biên độ dao động giá, nếu có một động cơ nào đó thì khi định giá người định giá hoàn toàn có thể tính theo giá thấp nhất hoặc cao nhất. Với nghề này cần nhất là không để bị tiền chi phối".Sự trung thực của người làm nghề ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả công việc. Thẩm định viên không được nhận bất kỳ một khoản tiền hoặc các lợi ích nào khác từ tổ chức, cá nhân có nhu cầu TĐG ngoài mức giá dịch vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng; thẩm định không đúng các điều khoản của hợp đồng thẩm định giá...
Cũng như những kiểm toán viên, thẩm định viên cũng cần phải có thẻ hành nghề do Bộ Tài chính cấp sau khi thi sát hạch 8 môn (gồm chuyên ngành, tiếng Anh và tin học).
Tuy nhiên, chỉ có các DN hành nghề TĐG mới cần đến thẻ hành nghề, còn lại đa số những người làm công việc này tại ngân hàng hay công ty chứng khoán làm việc theo kiểu tích lũy kinh nghiệm vì theo họ thẻ không cần thiết.
Cử nhân thẩm định giá được đào tạo tại: Học viện Tài chính, ĐH Marketing TP.HCM, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Kinh tế quốc dân, một số đại học kinh tế& tài chính Hà Nội. Ngoài ra để hành nghề thì cửa nhân cần được đào tạo chuyên sâu nghề nghiệp tại Hiệp hội thẩm định giá Việt Nam.
Để đảm bảo sự phát triển của nghề đã có các nhà thẩm định giá chuyên nghiệp như: ban chuẩn mực thẩm định giá Quốc tế-IVSC, Hiệp hội thẩm định giá ASEAN-AVA.